Câu hỏi trên là câu hỏi mà hầu như bất kỳ người mới tìm hiểu và tham gia thị trường tài chính, Trading đều băn khoăn tìm kiếm và tự hỏi!
Thật không may, hầu như đa số chúng ta không thể tìm thấy đáp án cụ thể kịp thời và đúng đắn cho tất cả ngay trong thời điểm ban đầu này.
Nếu bạn đang tìm một chỉ dẫn có hệ thống, định hướng chính xác và mạch lạc về các kiến thức, kỹ năng cần và đủ để giao dịch thì có thể đây là hướng dẫn phù hợp cho bạn. Xuất phát từ kinh nghiệm và kiến thức, trải nghiệm của bản thân, tôi sẽ chỉ ra các yêu cầu và kỹ năng cần có, phải học để trading, hạn chế các sai lầm mà người mới dễ mắc phải, đi học sai cách, thừa thãi và học tạp nham, vô định trong con đường tự học giữa vô vàn kiến thức mà nhiều người chia sẻ trên mạng. Một định hướng cho lộ trình học rõ ràng và bài bản cần thiết của các bạn đi sau.
Để trở thành người giao dịch có thể kiếm sống, bạn sẽ phải trải qua các mức độ khác nhau như bất kể một ngành nghề nào, thậm chí còn cao hơn rất nhiều vì trading chưa bao giờ dễ dàng và là một trong những nghề khó nhất , không phù hợp với số đông.
Có nhiều cách nói khác nhau về mức độ trưởng thành của một người giao dịch, nhưng có thể chia thành các mức chung về kiến thức như sau:
(1) HỌC – (2) BIẾT – (3) THÀNH THẠO – (4) HIỂU – (5) SÁNG TẠO – (6) GIÁC NGỘ & CHIẾN THẮNG BẢN THÂN
Tương ứng với :
(1) Học, sẵn sàng học mọi thứ tìm được bất kể
(2) Biết cơ bản các kiến thức, kỹ năng, công cụ
(3) Thành thạo sử dụng các phương pháp và công cụ khác nhau
(4) Hiểu “thị trường” ưu nhược điểm các phương pháp/công cụ khác nhau
(5) Sáng tạo, cải thiện phương pháp, hệ thống trade và xây dựng được phương pháp riêng cho mình, “phù hợp” với bản thân hoàn thiện đầy đủ (systerm, strategy, money manament, ROR, sentiment)
(6)Giác ngộ bản chất các thị trường khác nhau và cả về chính bản thân Trader, các yếu tố tác động, kiểm soát bản thân, luôn rèn luyện học tập để không đánh mất chính mình.
Nhiều người mới tham gia, nếu được định hướng tốt, thời gian học và tự hiểu sẽ ngắn và tìm được cách học đúng đắn sẽ giao dịch, sai rút kinh nghiệm sửa chữa để trưởng thành đúng lộ trình. Nhưng nhiều người nếu sai con đường ngay từ đầu, giống như bạn lạc vào mê cung hay rừng kiến thức mà không thể đột phá, dù có giao dịch 5 năm, 10 năm đi nữa đôi khi cũng không hiểu được và chỉ dừng ở mức HỌC, hay thành thạo sử dụng (một cách vô thức, không hiểu bản chất), có thể đi vào cách tiêu cực, “ma giáo” mà không thể tiến bộ hơn được (trên các diễn đàn hội nhóm bạn sẽ gặp nhiều người như thế này, và họ trade miệng là chính), số nhiều người đi vào sai lầm luẩn quẩn trong hàng ngàn phương pháp, chỉ báo hay abc, xyz…v.v… hoặc từ bỏ thị trường sớm.
Những người mới (newbie) cho dù bạn đi học các khóa đào tạo hay tự tìm hiểu qua sách báo hay tài liệu online với kiến thức thiếu hệ thống và tràn lan trên mạng internet…bạn sẽ thường bắt đầu tự giao dịch và tham gia thị trường khá NHANH, nghĩ “học đi đôi với hành” mà.
Sau đó thì phần lớn những cá nhân này (có cả tôi, chắc chắn rồi) đa số thua lỗ mất hết tiền vốn của mình trong khoảng thời gian nào đó khác nhau (sớm hay muộn mà thôi).
Chúng ta tiếp tục mắc phải sai lầm mà đa số những người đi trước đã trải qua, và mất tiền không đáng có. Mà đa số lý do này là khó tránh khỏi, vì nó liên quan tới bản chất tâm lý tự nhiên của con người. Nếu bạn đã từng nghe tới 90% hay 95% số Trader là thua lỗ từ ai đó (nguồn không xác định, kiểm chứng) thì bạn có thể được an ủi phần nào khi thực tế con số tốt hơn một chút là khoảng gần 70% ~ 90% theo con số thống kê của các sàn giao dịch cung cấp về các nhà giao dịch cá nhân.
Có rất nhiều lý do dẫn tới thua lỗ thất bại mà tôi sẽ không đề cập tới ở đây, vì có nói ngay bây giờ thì bạn cũng sẽ không hiểu được vì thiếu trải nghiệm, tích lũy chưa đủ kiến thức sẽ khiến bạn không thể hiểu hết.
Đa số tìm đến thị trường tài chính và giao dịch (trading) là những người đều thành công ở lĩnh vực của mình trước đó, nhiều người có kiến thức cao. Và “CÁI TÔI” lớn. Những thành quả trước đó của bạn không phải là lợi thế mà là hạn chế và rào cản của chính bạn khi giao dịch. Tôi biết nhiều người sẽ nghĩ mình giỏi, hơn người nên sẽ nghĩ mình có thành quả tốt hơn người khác. Và tôi trước đây khi bắt đầu cũng nghĩ như vậy.
“NGƯỜI TA THƯỜNG KHÔNG MẮC SAI LẦM VÌ DỐT MÀ VÌ NGHĨ LÀ MÌNH GIỎI” – D. GRANIN
Dứt bỏ những điều trên để sẵn sàng trao đổi và chia sẻ kiến thức, chúng ta cùng xem xét những lưu ý về kiến thức cần và đủ để bạn giao dịch. Theo thứ tự, người mới nên trang bị những kiến thức về thị trường như sau:
1. Lịch sử và cấu trúc thị trường, sản phẩm tài chính
Tại sao việc tìm hiểu cấu trúc thị trường, lịch sử và các sản phẩm tài chính giao dịch là điều đầu tiên mà không phải là các đầu mục phổ biến như nhiều người? Câu trả lời là ở việc hình thành TƯ DUY – MINDSET khi giao dịch hợp lý.
Thường thì tư duy giao dịch chỉ được hình thành khi bạn đã giao dịch và nếm trái đắng từ thị trường, qua trải nghiệm mất mát và sau này khi có đủ nhất định tích lũy kiến thức nó mới chuyển hóa và hình thành để định hình một tư duy giao dịch “phù hợp” với cá nhân bạn. Lưu ý tôi luôn dùng từ “PHÙ HỢP” , vì không có một công thức chung, một phương pháp tốt nhất, toàn diện nhất – hay chén thánh trong giao dịch cho mọi người với mọi hoàn cảnh. Chén thánh này được cá nhân hóa tùy mỗi người, nó phụ thuộc số vốn bạn giao dịch, hoàn cảnh cá nhân, tính cách con người…
Việc bạn bắt đầu với việc hiểu rõ về thị trường mà bạn tham gia: có thể là Forex – ngoại hối, chứng khoán, tiền điện tử, hàng hóa…và mối liên quan giữa các thị trường (yếu tố liên thị trường). Sau đó mới tìm hiểu đến các sản phẩm – hay loại hình sản phẩm tài chính được cung cấp giao dịch như thị trường quyền chọn, giao ngay, tương lai, kì hạn hay các loại sản phẩm đặc thù như chứng quyền, trái phiếu, mua bán chứng khoán ngoài giờ, IPO, .v…v.. Các yếu tố này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn, thấu hiểu sự liên quan logic hơn giữa cuộc sống thực tế và thị trường, nó sẽ giúp bạn định hình được một tư duy giao dịch đúng, bao quát hơn.
Nhiều người mới tìm hiểu thường sẽ rất nhanh tiếp cận với các mục như: giới thiệu thị trường nghìn tỉ (forex), cách sử dụng Metatrader4 / cách đăng ký tài khoản chứng khoán; Sàn giao dịch có phí giao dịch tốt, một phương pháp thường được quảng cáo pr nhiều như Price action, phương pháp 1, 2, 3 hay hệ thống giao dịch turtle, công cụ/chỉ báo kỹ thuật (indicators) và bạn bắt đầu giao dịch Demo, và bạn sẽ thấy “Ơ RÊ CA”, phát minh hay lắp ghép ra một mẫu giao dịch và bắt đầu nạp tiền vào chiến đấu, giao dịch.
Chỉ mất vài tháng để bạn bắt đầu nạp tiền vào giao dịch, đôi khi chỉ vài tuần. Và rất sớm thôi khi thị trường biến động bạn sẽ thua lỗ, mất tiền và sau đó nạp tiền trả thù thị trường, lại thất bại, không tin tưởng vào thị trường hay bất cứ ai cái gì. Bạn sẽ đổ lỗi như sàn đểu, môi giới lừa đảo, tại thằng này phát biểu vớ vẩn, tại abc….bất cứ nguyên nhân gì mà rất ít bạn sẽ nói tại bạn, chính bản thân bạn.
Điều tôi muốn nói ở đây là khi tham gia thị trường, sân chơi nào bạn cũng cần biết về các đối thủ của bạn, về cách vận hành và quy luật của nó. Thương trường như chiến trường, nếu không chuẩn bị tốt thì việc trả giá là chắc chắn.
Yêu cầu khi tìm hiểu thị trường cần nắm được:
– Các thị trường tài chính:
Thị trường thành phần như như ngoại hối, hàng hóa, chứng khoán, trái phiếu, thị trường tiền điện tử (crypto) và các thị trường khác…có thể chi tiết hơn nếu được tới các loại thị trường nhỏ trong mỗi thị trường đó.
Việc hiểu được mối liên quan liên thị trường sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan, sâu hơn về việc giá cả biến động và dự báo trước được các biến động thị trường hay ít nhất có kế hoạch hợp lý. Gọi là “nhìn xa trông rộng”.
– Sản phẩm hay công cụ tài chính giao dịch:
bao gồm cả các sản phẩm tài chính như thị trường phái sinh, thị trường cơ sở, thị trường giao ngay (spot), thị trường tương lai, thị trường kì hạn, thị trường quyền chọn, hợp đồng hoán đổi, …
Ngoài ra còn có các sản phẩm chi tiết hơn như trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu nhà nước, hình thức giao dịch ngoài giờ, cổ phiếu kí danh, cổ phiếu ưu tiên, thị trường OTC, thị trường tiền điện tử – thị trường mới với nhiều sản phẩm trong danh mục giao dịch mà bạn cần sàng lọc nếu không muốn đánh bạc hay rủi ro cao khi giao dịch mù quáng.
Bạn có thể không cần biết quá nhiều và toàn bộ chi tiết các sản phẩm giao dịch này, vì các sản phẩm tài chính này đôi khi chỉ là một hình thức làm phong phú thêm cho thị trường để bạn cược, nếu bạn không quan tâm nhiều tới dài hạn, hoặc quy mô giao dịch nhỏ, hay thị trường bạn giao dịch không liên quan quá nhiều thì bạn không cần nắm quá sâu các thị trường khác, vì đôi khi biết quá nhiều thành loạn và làm rối bản thân. Quan trọng là bạn xác định được các yếu tố ảnh hưởng, tương quan và quan trọng là nó phải phù hợp với hoàn cảnh cá nhân trader khi giao dịch tại thị trường bạn chọn (Forex, stocks, hàng hóa hay crypto…).
Ví dụ: Nếu bạn không xác định được loại sản phẩm bạn đang giao dịch là gì thì rất có thể bạn sẽ mất trắng tiền vì cái thiếu hiểu biết của mình. Một ví dụ gần đây nhất là số nhà đầu tư mơ bắt đáy dầu năm 2019 – 2020. Khi không phân biệt được hai loại dầu là dầu giao ngay (Spot) và dầu hợp đồng có kì hạn/ tương lai.
+ Giá dầu giao ngay giảm tới giá thấp 0 USD/thùng, một mức giá không thể giảm hơn được nữa?.
+ Giá dầu tương lai giảm tới -40,32 usd/thùng, giá dầu âm do nhà sản xuất phải trả tiền cho người mua dầu vì dầu hợp đồng kì hạn/tương lai phải cần tiền chi phí cho lưu kho bải, phí vận chuyển, phí sản xuất vì người bán dầu không thể ngừng sản xuất nếu không cũng sẽ ảnh hưởng thiết bị, chi phí khai mỏ…do vậy họ phải trả tiền để người mua dầu nhận và đẩy giá dầu xuống âm.
Số nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy để giao dịch mong bắt đáy thị trường hầu như mất toàn bộ số tiền với kì vọng bắt đáy khi giá về 0 USD, nhưng chọn sản phẩm hợp đồng có kì hạn.
Điều này cũng giúp bạn biết và có lợi thế trong áp dụng phân tích cơ bản, tiếp nhận và đánh giá thông tin và đặc biệt với các cá nhân là tránh được các hình thức giao dịch rủi ro cao, hoặc lừa đảo như MT6, wefinex..
– Cấu trúc thị trường:
Các bên tham gia thị trường và vai trò của các bên.
Ví dụ: thị trường ngoại hối gồm các thành phần Các ngân hàng trung ương – Các ngân hàng thương mại và các quỹ đầu tư/Công ty – Các nhà tạo lập thị trường/tổ chức thanh toán bù trừ – Các sàn giao dịch (Broker) – Các nhà giao dịch cá nhân.

– Sự vận hành của thị trường, quy luật thị trường (trong bối cảnh cụ thể):
Bên mua và bên bán khớp lệnh như thế nào, người mua thì có người bán và cơ chế khớp lệnh của mỗi thị trường khác nhau. Nếu thị trường chứng khoán tại Việt Nam đang là T+3, thì bạn phải có kế hoạch giao dịch phù hợp. Nó khác với khả năng giao dịch giao ngay và khớp lệnh rất nhanh hầu như ở bất cứ giá nào như Forex do đặc thù thị trường lớn.
Ngay trong thị trường Forex, bạn cũng cần hiểu được cơ chế vận hành của thị trường (như hình dưới) để có thể phân biệt được sàn giao dịch nào uy tín, sàn cấp 1 (tạo lập thị trường) – cấp 2 dạng đại lý? và lựa chọn được sàn giao dịch phù hợp mục đích cá nhân. Ngoài ra ý nghĩa hơn là sự chuyển động dòng tiền và tác động của các thành phần tham gia, biết mình biết người.

Sự biến động của giá mỗi sản phẩm tài chính phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau, quy luật CUNG – CẦU và TÂM LÝ THỊ TRƯỜNG là hai điều cần lưu ý khi tham gia. Các yếu tố tác động đến thị trường nó phụ thuộc vào bối cảnh khác nhau, khi có khủng hoảng kinh tế thì tài sản có giá trị khác nhau, khi chiến tranh/dịch bệnh khác với khi tăng trưởng bình thường ổn định. Do đó không phải lúc nào cũng cứng nhắc gò bó gán ghép một quy luật cố định cho một loại sản phẩm (ví dụ GOLD/USD), bạn phải biết đặc thù sản phẩm giao dịch và cả bối cảnh xét thị trường, tâm lý nhà đầu tư để giao dịch khi phân tích cơ bản hay phân tích tâm lý.
Những điều trên là tổng quan chung của thị trường, nó luôn biến đổi nên bạn phải cập nhật và thích ứng cho phù hợp.
Biết được càng nhiều và rõ ràng bạn sẽ có cái nhìn từ bao quát, tổng quan hơn và sẽ có tư duy giao dịch hay tư duy về thị trường đúng đắn. Nếu không sẽ nhiều người coi nó là đánh cược, nhiều người coi nó là đầu tư. Ranh giới giữa hai khái niệm là khá mong manh.
– Lịch sử thị trường:
Nghiên cứu lịch sử luôn cho bạn nhiều bài học và thấu hiểu việc hơn. Và trong thị trường tài chính, việc xét quá khứ có thể cho bạn thấy nhiều điều quan trọng. Bản chất con người và tâm lý là điều hầu như không có sự thay đổi lớn từ trước đến nay. Trong thị trường ngoài yếu tố cung cầu thì tâm lý và cảm xúc là điều ảnh hưởng giá.
Lịch sử thường có xu hướng tự lặp lại nó, và con người phản ứng với các sự việc, khi xuất hiện lòng tham, hành động khi hoảng loạn lo sợ hay hưng phấn khi thị trường tăng mạnh là tương tự nhau. Và dẫn đến kết quả lặp lại có thể không giống hoàn toàn nhưng tương đồng trong quá khứ. Đây là cách bạn sử dụng để nắm bắt tâm lý thị trường, phân tích kỹ thuật (mô hình giá) hay phân tích cơ bản đều có thể tìm được dẫn dắt gợi ý và rút ra bài học cho bản thân. Nó cũng là giả thuyết nền tảng của phân tích kỹ thuật.
Ngoài ra, quá khứ biến đổi cũng cho bạn thấy mối tương quan giữa các loại tài sản thay đổi ra sao, các thành phần tham gia thị trường, vai trò trong quá khứ và hiện tại ra sao?
Ví dụ: Bản vị Vàng trong quá khứ thay đổi ra sao? và giá trị của Vàng so với tiền tệ Fiat thay đổi trong quá khứ.
Trước 1944 là thời kỳ bản vị Vàng, quốc gia phát hành tiền cần có vàng bảo đảm quy đổi.
Sau năm 1944, thời kì bản vị vàng + tiền khi quy định 35 USD/ounce vàng là giá quy đổi niêm yết toàn cầu.Tiền tệ dao động khoảng (+-) 1% so với tỉ giá hối đoái của đồng tiền. Quy định tại hội nghị tổ chức ở Breton Woods, Mỹ
Sau 1971, cũng tại Bretton, tổng thống Nixon đề xuất và quỹ tiền tệ IMF thống nhất bỏ bản vị vàng và giao dịch với tỉ giá thả nổi cho đến hiện tại.
Sự chuyến biến từ lịch sử, chiến tranh kết thúc cùng sự mạnh lên của quốc gia chiến thắng và yếu tố chi phối lên thị trường tài chính có thể mang đến góc nhìn khác về thế giới quan, thị trường. Bạn sẽ thấy tiếng nói của các tổ chức lớn như NHTW, tổ chức IMF.., thị trường tài chính Mỹ, hay Anh có ảnh hưởng lớn tới thị trường chung vì sao.
Tóm lại, bạn sẽ học được nhiều điều từ lịch sử, vì đó là những thực tế đã từng minh chứng.
Từ những điều trên sẽ hỗ trợ phần nào giúp bạn lựa chọn được thị trường mà bạn tham gia, sản phẩm mà bạn giao dịch, nơi bạn sẽ gửi vốn giao dịch, và cao hơn là sự hiểu biết chung, để hình thành tư duy đầu tư/giao dịch đúng đắn.
2. Kiến thức và kỹ năng cần để giao dịch
Sau khi tìm hiểu và lựa chọn thị trường giao dịch, điều tiếp theo là cần trau dồi và hoàn thiện các kiến thức và kỹ năng cần để giao dịch. Có thể gộp lại thành các kiến thức về:
- Quản lý rủi ro và quản lý vốn
- Phương pháp ra quyết định giao dịch, vào lệnh
- Tâm lý giao dịch và phương pháp kiểm soát tâm lý, kỷ luật
Có nhiếu ý kiến về độ quan trọng của các kỹ năng trên đối với thành công của mỗi trader. Như Tâm lý kỷ luật chiếm 60%, quản lý vốn 30%, phương pháp giao dịch 10% hoặc khác hơn không nhiều. Điều này là có cơ sở, nhưng có thể tỉ lệ % thay đổi chút đối với người mới và trader có kinh nghiệm. Ban đầu có thể bạn cần một phương pháp và quản lý vốn hợp lý hơn nhưng sau này, khi đã có phương pháp hoàn thiện thì sự khác biệt giữa những người giao dịch là ở yếu tốt tâm lý và kỉ luật.
2.1. Quản lý rủi ro và quản lý vốn

Quản lý rủi ro là một khái niệm bao quát hơn so với quản lý vốn. Nhiều người khi tham gia thị trường thường lưu ý đến quản lý vốn với mỗi lệnh mua bán mà bỏ qua giới hạn rủi ro này.
Ví dụ, nếu bạn sử dụng công thức quản lý vốn là bạn chịu rủi ro 2% tài khoản (vốn) mỗi lệnh giao dịch.
Nhưng nếu bạn vào 15 lệnh hay 20 lệnh trạng thái, thì nếu bạn sai bạn sẽ chịu khoản lỗ lên tới 30% – 40% tài khoản. Một khoản lỗ không nhỏ mà quản lý vốn cụ thể với mỗi lệnh không chỉ ra điều này.
Quản lý rủi ro sẽ cho phép bạn sử dụng bao nhiêu lệnh, phân bổ vốn đầu tư khác nhau tới các hạng mục tài sản khác nhau: đầu tư dài hạn, giao dịch ngắn hạn và vốn đề phòng rủi ro trong tổng số vốn đầu tư của bạn hợp lý hơn. Các quỹ giao dịch hay ngân hàng luôn có bộ phận chuyên biệt này.
Ở bài này chúng ta không đi vào cụ thể các phương pháp, tôi sẽ nói đến một bài khác.
2.2. Phương pháp ra quyết định giao dịch
Bao gồm kế hoạch giao dịch, phương pháp phân tích để bạn đưa ra quyết định mua/bán. Có thể chia thành các thành phần sau:
- Phân tích cơ bản (fundamental analysis – FA)
- Phân tích kỹ thuật (technical analysis – TA)
- Phân tích tâm lý thị trường
Có nhiều cách để các bạn ra quyết định giao dịch, đầu tư. Qua quá trình học và giao dịch của tôi cho đến hiện tại, có thể nói rằng không có phương pháp giao dịch hay chỉ báo công cụ nào là tốt nhất, chính xác nhất cho tất cả mọi cá nhân. Mỗi phương pháp phù hợp với mỗi trạng thái thị trường, và cá nhân theo bối cảnh cụ thể, bạn sẽ tìm được một phương pháp “PHÙ HỢP” (TỐT NHẤT CHO CÁ NHÂN BẠN). Ban đầu tôi cũng như bất kỳ người mới nào, sẽ tìm học tất cả các phương pháp đã thành danh, có người thành công trước đó, các chỉ báo kỹ thuật, các lối giao dịch theo tin, theo xác xuất, theo robot thuật toán….nhưng hầu như tất các phương pháp này đều đúng, chỉ là bạn có thực sự hiểu và áp dụng nó đúng hay không mà thôi.
Đây là quá trình tích lũy về “Lượng” trước khi bạn đủ trải nghiệm, thực sự hiểu cách sử dụng ưu nhược điểm để có thể tạo sự đột phá về “Chất”. Không nhiều người vượt qua được và tạo sự biến đổi này nếu bạn không thực sự tìm hiểu và nghiên cứu, hiểu bản chất của các phương pháp công cụ đó. Đa số sẽ chìm vào biển kiến thức các phương pháp và công cụ này mà không có sự đột phá rồi từ bỏ hoặc cứ mãi như vậy, 5 năm hay 10 năm giao dịch cũng thế. Trading chiến thắng thường không dành cho số đông.
1) Về Phân tích cơ bản
Để nói có một phương pháp về phân tích cơ bản cố định thì bạn sẽ khó có thể tìm được. Việc phân tích cơ bản để đánh giá thị trường, sự biến động và dự báo xu hướng phụ thuộc vào “Bối cảnh” của thị trường. Bạn lưu ý điều này.
Bạn phải đặt thị trường vào tình hình hiện tại, ví dụ như khi dịch bệnh Covid – 19 hoành hành, các ngân hàng giảm lãi suất và kích thích tiền tệ phục hồi kinh tế. Nó khác với khi bạn giao dịch đầu tư khi thị trường ổn định. Và việc xuất hiện nhiều loại tài sản thay thế cũng như sức mạnh của các công ty công nghệ cũng thay đổi tư duy và kiến thức thị trường. Nếu bạn cố định kiến thức và tư duy như thời kỳ trước đó, bạn sẽ bị đào thải nếu không thay đổi và cập nhật kiến thức. Cũng có thể tham khảo từ lịch sử khi các cuộc khủng hoảng tài chính trước đây xảy ra, dịch bệnh trong quá khứ hay chiến tranh. Nhưng ảnh hưởng là khác nhau đặt trong bối cảnh khác nhau.

Vậy phân tích cơ bản yêu cầu kiến thức gì?
Trước hết cần xét định nghĩa của phân tích cơ bản: FA là một phương pháp đo lường giá trị nội tại của sản phẩm giao dịch (cổ phiếu, vàng , tiền tệ) bằng cách xem xét các yếu tố kinh tế và tài chính liên quan. Các nhà phân tích cơ bản nghiên cứu bất cứ điều gì có thể ảnh hưởng đến giá trị, từ các yếu tố kinh tế vĩ mô như trạng thái của nền kinh tế và nhóm ngành đến các yếu tố kinh tế vi mô như hiệu quả quản lý của công ty. Ngoài ra còn vĩ mô là nền kinh tế chung thế giới, chính sách tiền tệ quốc gia…
Bạn cần có kiến thức rộng về các thị trường tài chính như trên, về lịch sử kinh tế chính trị, về các thành phần tham gia thị trường, cấu trúc, vai trò của các tổ chức lớn có tầm ảnh hưởng cao, hay đơn giản là kiến thức về công nghệ Blockchain cho thị trường Crypto hiện tại…rất nhiều các kiến thức khác nhau nó tùy thuộc vào thị trường mà bạn tham gia giao dịch.
Bạn có thể phải phân tích liên thị trường – nghĩa là sự tác động của các thị trường khác nhau với nhau, và suy nghĩ như một nhà hoạch định chính sách khi giao dịch tiền tệ. Tất nhiên, nó phụ thuộc vào quy mô giao dịch và thị trường bạn tham gia.
Ở đây, tôi chỉ có thể nói tóm gọn là bạn hãy trau dồi kiến thức về thị trường và các yếu tố ảnh hưởng chi phối biến động giá sản phẩm giao dịch. Biết càng nhiều bạn càng có sự thấu hiểu bản chất và có tầm nhìn xa trông rộng hơn. Phải luôn học hỏi, cập nhật.
Đừng nhìn những chuyên gia kinh tế, banktrader, hay một vị nổi tiếng về đầu tư hay thị trường phát biểu, quan điểm của họ mà thay đổi bạn. Tất cả mọi người trên thị trường đều có mục đích, có người thắng mới có người thua trong thị trường, và tiền thu nhập lợi suất lợi nhuận của bạn là từ những cá nhân tổ chức khác. Hãy cảnh giác với những người “nổi tiếng” :)) Thương trường là chiến trường, không sai đâu.
Như vậy, để phân tích cơ bản và hình thành tư duy phương pháp phân tích có thể thích ứng với thị trường trong từng hoàn cảnh, bạn cần:
– Đọc sách báo về kinh tế, thị trường
– Sách lịch sử (kinh tế, chính trị…): rất nhiều sự kiện bạn phải có sự hiểu biết và nắm bắt quá trình trong lịch sử kinh tế chính trị để hiểu và phân tích, dự báo.
– Nghiên cứu thông số báo cáo đánh giá một công ty, sản phẩm (chứng khoán/cổ phiếu)
– Nghiên cứu các thông số, ý nghĩa con số và đánh giá sức khỏe nền kinh tế quốc gia (thị trường FX, cổ phiếu chứng khoán) và chính sách quốc gia.
– Nghiên cứu công nghệ và các dự án dịch vụ ứng dụng, chính sách kinh tế, lịch sử (Crypto)
……v.v…
Về PTCB, hầu như khá rộng và bạn sẽ phải luôn học tập. Bạn không nên đánh đồng PTCB với việc phân tích cơ bản một công ty, báo cáo tài chính công ty hay tương đương. Việc phân tích báo cáo tài chính chỉ là một thành phần trong phân tích cơ bản chung. PTCB là một khái niệm rộng và áp dụng cho nhiều thị trường khác nhau. Ngay cả các chuyên gia kinh tế có bằng cấp hay chuyên sâu một mảng cũng không thể nói hết về các thị trường khác nhau, đôi khi chuyên gia có bằng cấp (thường chỉ một mảng) chỉ là gà mờ khi so với một cá nhân có tích lũy trong thị trường chuyên sâu của người khác. Nhưng có bằng cấp tất nhiên là tốt hơn so với người không có gì, không học tập.
Nếu bạn không học chính quy về kinh tế hay chỉ là tay ngang, không sao cả. Đa phần mọi người tham gia thị trường là tay ngang như bạn. Học đại học hay ths cũng chỉ là bước khởi đầu và bạn có thể học chuyên sâu với các khóa đào tạo về tài chính như hiệp hội các cố vấn tài chính đào tạo cung cấp dịch vụ (bằng CMT, CFA…), chúng còn có giá trị hơn cả học đại học hay ths. Nhưng như thế cũng chưa bao giờ là đủ.
2) Về Phân tích kỹ thuật
Phân tích kỹ thuật (TA), hay còn gọi là nghiên cứu biểu đồ, là một loại phân tích nhằm xác định, dự đoán hành vi thị trường trong tương lai dựa trên diễn biến giá cả và khối lượng giao dịch trước đó, trong quá khứ và hiện tại. Phương pháp TA được áp dụng rộng rãi trong thị trường tài chính.
Mặc dù các hình thức phân tích kỹ thuật đầu tiên đã xuất hiện ở Amsterdam vào thế kỷ thứ 17 và ở Nhật Bản vào thế kỷ 18, nhưng phép phân tích kỹ thuật hiện đại thường được xem là bắt nguồn từ công trình của Charles Dow. Là một nhà báo về tài chính và người sáng lập tạp chí The Wall Street Journal, Dow là một trong những người đầu tiên nhận thấy rằng các tài sản và thị trường riêng lẻ thường biến động theo các xu hướng, các xu hướng đó có thể được phân khúc và kiểm tra. Công trình của ông sau đó đã khai sinh ra Lý thuyết Dow, lý thuyết này đã khuyến khích những phát triển về sau của phân tích kỹ thuật.
Đến thời sau là sự phát triển của Schabacker– người cha của Phân tích kỹ thuật hiện đại, tiếp đó là Edward và Magee với “Phân tích kỹ thuật xu hướng chứng khoán” (Technical Analysis of Stock Trend, cuốn sách đã được tái bản 8 lần) và ngày nay là John Murphy, Jack Schwager, Martin Pring, … thì mới thực sự ra đời cái tên “Phân tích kỹ thuật” và được nâng cao như hiện tại.
Như vậy bạn nên ngược dòng lịch sử để tìm hiểu phương pháp và hiểu sự phát triển của kỹ thuật phân tích này cho đến hiện tại.
Nhiều người nổi tiếng đã và đang thành công với PTKT (TA) và chắc chắn đây là một phương pháp cần và đủ để bạn áp dụng giao dịch, đầu tư..
Kiến thức về phân tích kỹ thuật thì nó khá rành mạch, rõ ràng và có thể nói cụ thể chi tiết, hay nói cách khác là có thể có định hướng, lộ trình học cụ thể hơn cho các bạn.
Tiếp cận PTKT thường sẽ áp dụng được ngay dễ tiếp cận, dễ hiểu, có quy luật cố định Logic và thấy kết quả tức thời.
Vì để PTCB tốt cần tích lũy kiến thức khá rộng và lâu dài. Nói như vậy không có nghĩa là phương pháp PTKT và PTCB có sự chênh lệch cái nào tốt hơn cái nào, hai phương pháp đều có ưu điểm và bổ trợ nhau, tùy thuộc vào thị trường bạn giao dịch và hoàn cảnh cá nhân mà cái nào có vai trò nhiều hơn. Những sự so sánh là khập khiễng và chỉ có những tay mơ về một phương pháp (học chưa đến nơi đến chốn), thiển cận mới đi so sánh và thần thánh hóa một phương pháp.
Có rất nhiều phương pháp và trường phái phân tích kỹ thuật khác nhau hình thành từ giai đoạn đầu cho đến hiện tại, và hầu như các phương pháp này đều chính xác, nó tùy thuộc vào bạn hiểu và sử dụng nó đến đâu. Không có phương pháp tối ưu tốt nhất ( hay gọi là chén thánh cho tất cả trader), chỉ có trader giỏi với nó nhất và quan điểm là phương pháp “phù hợp” nhất.
PTKT có thể được tiếp cận dựa trên cơ sở 3 giả định:
• Biến động thị trường phản ánh tất cả (biến động thị trường bao gồm giá, khối
lượng giao dịch và số lượng hợp đồng chưa tất toán).
• Giá dịch chuyển theo xu thế chung
• Lịch sử có xu thế tự lặp lại chính nó.
Vai trò của Phân tích kỹ thuật:
PTKT đóng vai trò là công cụ trợ giúp nhà đầu tư với 03 chức năng chính:
– Báo động;
– Xác định, xác nhận
– Dự báo.
Lưu ý vai trò của các phương pháp và công cụ phân tích kỹ thuật cũng thể hiện các chức năng này, nhiều người sử dụng mà không phân biệt và hiểu được các công cụ truyền tải thông điệp gì thường sẽ thiếu sót trong áp dụng và đôi khi phản tác dụng, tạo nên một phương pháp sai hay thiếu sót. PTKT có thể ảnh hưởng bởi một số tính chất như độ trễ, độ nhạy, số phiên tính toán, độ chính xác của phương pháp/công cụ.
Dưới đây là phân loại hệ thống các trường phái phân tích kỹ thuật để mọi người có cái nhìn tổng quan hơn và học tập, có một định hướng trước để học đỡ mông lung. Các lý thuyết PTKT có lý luận, phương pháp và được chứng minh thực tế mới hình thành một trường phái, đây là những trường phái lớn như vậy:
Trường phái cổ điển và tân cổ điển
Đừng nhìn cái tên cổ điển và tân cổ điển bạn nghĩ nó lạc hậu, ngược lại nó vẫn là nền tảng của PTKT hiện đại, rất chính xác và được cập nhật mới liên tục. Đặt tên thế vì nó sử dụng chặt chẽ nguyên lý Dow (nền tảng của phương pháp PTKT).
Trường phái cổ điển: Xuất phát từ lý thuyết Dow, với 06 nguyên lý. Cơ sở lý luận của lý thuyết không nằm ngoài các nguyên lý chung của Kinh tế học cổ điển : Quan hệ Cung – Cầu Và cả tâm lý của nhà đầu tư trong các trạng thái thị trường.
Trường phái Tân cổ điển: Trường phái này tuân thủ tuyệt đối Lý thuyết Dow nên cách sử dụng nó chính là Trend Analysis – Phân tích Xu hướng và nó có 2 nhóm công cụ chủ đạo:
CHART READING: bao gồm các phương pháp giao dịch nổi tiếng sử dụng như
- Price pattern: kiểu như Gap, 1-2-3 reversal, pin bar, lap bar, squats bar …v..v.v…
- Chart pattern (Formation): Vai đầu Vai, Tam giác, Lá cờ, mũi lao ..v..v..
- Line Study: Hỗ trợ/Kháng cự, trendline các loại, Fan, Pitchfork Line ..v..v..v
- Một số công cụ đọc chart khác kiểu như Darvas Box (Classic, Modern, Ghost box)…v..v.…À, cái này nhìn đơn giản nhưng nhiều người sẽ đánh đồng nó với Hỗ trợ/kháng cự. Bản chất chúng khá giống nhau, chỉ là cách gọi và đặt tên khác.
INDICATORS – Chỉ báo kỹ thuật: bao gồm
– Chỉ báo về xu hướng: MA, PSAR..
– Chỉ báo về động lượng: Momentum, RSI…
– Chỉ báo Volume: Volume, OBV…
– Chỉ báo hỗ trợ kháng cự
– Chỉ báo biên độ thị trường: Pivot,
Ngay cái cách phân loại indicator đã khá rõ ràng rồi và Chẳng phải ngẫu nhiên mà họ chia ra như vậy. Đây là cách bạn sẽ phải học sử dụng các chỉ báo kỹ thuật này và ý nghĩa của chúng. Nhiều người sử dụng mà không hiểu bản chất, vai trò và ý nghĩa truyền tải của chỉ báo mà mãi chỉ dừng ở mức độ “biết, thành thạo”.
Trường phái HARMONIC
Trường phái này không quá coi trọng Lý thuyết Dow. Họ cho rằng tâm lý nhà đầu tư quyết định tới hành vi mua/bán của họ nên họ “đo lường” cái tâm lý này luôn. Họ tin tưởng và sử dụng các quy luật kỳ bí trong tự nhiên đang chi phối mọi sự vật hiện tượng trong Vũ trụ bao la này. Những quy luật này đa số khoa học hiện tại vẫn chưa chứng minh được hoàn thiện. Các quy luật có thể kể tới như:
Dãy số Fibonacci và tỉ lệ vàng FIB: từ dãy số Fibonacci hình thành các công cụ như Fibonacci Retracement, Fib Extension, Expansion, Projection …
Phương pháp nổi tiếng là sóng Eliot cũng nằm trong trường phái này.
Các phương pháp sử dụng các mẫu hình (pattern) mà họ ( nổi bật là Scott M. Carney và Larry Pesavento) gọi là Harmonic Trading Pattern…

Sử dụng số học và hình học
William Delbert Gann đi đầu trong vụ phương pháp này và chắc cũng vì vậy mà hình ảnh của ông trong giới TA cũng trở thành huyền bí không kém Fibonacci: Quy luật 50% (gắn liền với tên tuổi của Gann), Gann Grip, Gann Square…
Theo sau Gann là Murray Math sử dụng các Tổ hợp nhi phân.
Nếu bạn tìm hiểu phương pháp này thì học những người trên, tuy nhiên khá khó và nhức mắt. Hãy chọn cho mình phương pháp phù hợp.
Trường phái sử dụng cặp số 5 – 9
Wave59 trở thành platform – nền tảng khá nổi tiếng và độc quyền với kỹ thuật 5-9 count.
DeMark TD Sequential của Tom DeMark cũng là một sản phẩm khác của cặp số

Trường phái từ Nhật Bản
Đây có thể mới là trường phái TA xuất hiện đầu tiên trong lịch sử loài người. Cho nên, đương nhiên nó cũng không sử dụng lý thuyết Dow (nền tảng phân tích kỹ thuật hiện đại).
Người Nhật mang đặc điểm điển hình của triết học Phương Đông vào trong các kỹ thuật phân tích của mình. Họ cũng cho rằng tâm lý con người điều khiển mọi quyết định của họ.
Tuy nhiên, khác với nhà buôn phương Tây chú ý tới bên mua – bán, cung với cầu, dòng tiền và tâm lý, người Nhật quan niệm mọi thứ trong tự nhiên đều hướng tới trạng thái CÂN BẰNG. Đây là trạng thái ổn định và lý tưởng nhất cho vạn vật.
Trạng thái CÂN BẰNG là lý thuyết dẫn đường và cơ sở lý luận của trường phái Nhật Bản. Thị trường luôn dao động xung quanh điểm cân bằng, khi nó rời khỏi điểm cân bằng này quá xa và/hoặc quá lâu đều có xu hướng trở lại điểm cân bằng cả. Trạng thái cân bằng này không tĩnh, mà nó chuyển động liên tục.
(Ví dụ cho trạng thái cân bặng động như sau: 8 năm trước lúc mới ra trường, lương 5 triêu/tháng là đủ để em tồn tại, quá chỗ đó là em thác loạn ngay. Giờ đây, chắc 15m/tháng mới đủ chúng ta tồn
tại… Đó, điểm cân bằng liên tục di chuyển.)
Các phương pháp nổi tiếng và thành quả của trường phái này như:
– Nến nhật – CandleStick;
– Nến Heiken ashi;
– Tổ hợp Ichimoku Kinko Hyo.
Trường phái VOLUME SPREAD ANALYSIS (VSA)
Được R Wyckoff phát triển đầu tiên từ những năm 30s, nhưng chỉ đến khi xuất hiện G. Soros và Tom Williams thì nó mới thực sự trở thành một Trường phái độc lập vì có lý thuyết dẫn đường hoàn chỉnh.
Trường phái này ít lưu ý đến Lý thuyết Dow là cái gì. Với những người theo trường phái này, quan hệ cung cầu không phải là nguyên nhân khiến giá cả tăng. Với họ, dòng tiền quyết định tất cả. Dòng tiền đổ vào đâu, cái đó tăng giá và ngược lại, dòng tiền rút ra khỏi đâu, cái đó giảm giá.
Nếu bạn nghiên cứu trường phái này, từ khóa của các trader và phương pháp trên là để bạn tìm kiếm.
Một lưu ý, trường phải này là một trong số nhiều trương phái, và trong đó có nhiều phương pháp khác nhau để bạn áp dụng. Hãy học, sàng lọc nghiên cứu tinh túy và hình thành nên tư duy cũng như phương pháp phù hợp với cá nhân, khi đó nó mới là phương pháp của bạn và bạn hiểu ưu nhược điểm của nó, áp dụng khi nào, tại sao và như thế nào.
Trường phái, phương pháp Lý thuyết chu kỳ (Cycle Theory)
Từ quan điểm phân tích tâm lý tác động đến quyết định mua/bán từ đó ảnh hưởng đến cung cầu như trên.
Time Solution Advanced được coi là Platform chuyên biệt cho trường phái này.
Bên trên là tổng quát các trương phái PTKT, trong mỗi trường phái có rất nhiều phương pháp giao dịch khác nhau va vẫn luôn phát triển nhiều hơn hàng ngày hiện tại, do mỗi cá nhân sáng tạo riêng.
Bạn không nên ôm đồm quá nhiều mà hãy giỏi và thành thạo một phương pháp phù hợp nhất với bản thân. Nó giống như con dao/công cụ trong tay bạn vậy, nếu bạn giỏi, nó có ích và là chuyên gia lĩnh vực sử dụng nó. Nếu bạn không hiểu gì, nó giống như đứa trẻ vô tri cầm vũ khí và đôi khi tự hại mình là nhiều.
Cá nhân có lời khuyên những người mới sử dụng các phương pháp và học tập từ các kiến thức sau:
– Lý thuyết Dow và các trường phái sử dụng nó: nền tảng phân tích kỹ thuật hiện đại;
– Nến nhật và trường phái liên quan;
– Dãy số Fibonacci;
– Sử dụng Volume – khối lượng giao dịch với trường phái và phương pháp giao dịch sử dụng khối lượng giao dịch như trên.
Ngoài ra, việc phân chia và lựa chọn giao dịch khung thời gian nào phụ thuộc vào tư duy và số vốn, bối cảnh giao dịch của bạn, nó được cá nhân hóa theo phương pháp giao dịch. Bạn cần biết ưu nhược điểm của chúng và hãy thận trọng nếu giao dịch khung thời gian quá nhỏ, độ khó cao và rủi ro cao. Những người mới lại đa phần lựa chọn giao dịch nhanh, ngắn hạn mà yêu cầu độ khó cao nhất và không lạ khi số trader mới thua lỗ chiếm tới hơn 70%.

3) Phân tích tâm lý thị trường
Phân tích tâm lý thị trường ít được biết đến hơn so với phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật.|
Mỗi nhà giao dịch sẽ có những nhận định khác nhau về thị trường. Họ sẽ có những lý giải riêng để giải thích cho việc tại sao thị trường lại biến động như vậy và họ thể hiện quan điểm đó thông qua những giao dịch của mình. Hay nói cách khác, thị trường là tổng hợp tất cả các quan điểm, ý kiến, ý tưởng khác nhau được thể hiện trong những giao dịch của tất cả mọi người tham gia thị trường. Vì vậy, phân tích tâm lý thị trường là việc phân tích tập trung vào đo lường trạng thái tâm lý và cảm xúc tổng thể của tất cả những người đang tham gia vào thị trường.
Phương pháp phân tích này định lượng bao nhiêu % người tham gia thị trường là nghiêng về xu hướng tăng hay xu hướng giảm. Khi tâm lý thị trường được xác định thành công, nhà phân tích nhất định sẽ có một giao dịch ở PHÍA ĐỐI DIỆN đám đông nhà giao dịch bán lẻ cá nhân, với giả thuyết rằng đám đông thường bị nhầm lẫn, và thực tế là thường như vậy, cơ sở của phân tích tâm lý thị trường nằm ở nghiên cứu về bản chất tâm lý con người, nó là tự nhiên thiên sinh. Phân tích tâm lý có thể được áp dụng kết hợp với phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật, để tăng thêm chiều sâu cho việc phân tích của nhà giao dịch.
Các phương pháp phân tích tâm lý thị trường như nghiên cứu báo cáo COT nghiên cứu vị thế mua bán và tâm lý của các tổ chức công ty/quỹ lớn cũng như nhà đầu tư cá nhân, nghiên cứu tâm lý thị trường do các tổ chức tạo lập thị trường tạo như báo cáo tâm lý khách hàng cá nhân – Client Sentiment.
Tổng Kết
Như vậy, phần trên là kiến thức, kỹ năng và công cụ mà cá nhân tham gia thị trường cần tìm hiểu, trau dồi và tích lũy trước khi hình thành được khả năng tư duy, phương pháp cụ thể để giao dịch.
Việc trau dồi kiến thức, cập nhật là không ngừng nghỉ, càng học càng biết nhiều bạn sẽ càng thấy thiếu.
Tùy vào bạn lựa chọn thị trường và sản phẩm giao dịch để cần biết phải nâng cao kiến thức kỹ năng gì, như thế nào để tìm hiểu, học tập.
Ngoài ra, lưu ý rằng không có phương pháp nào là toàn diện và áp dụng cho mọi người, mọi thị trường, cho các trạng thái khác nhau của thị trường. Bạn chỉ có thể tìm hiểu và tìm ra phương pháp phù hợp nhất với bạn.
——– Tradinghub.vn, by Alpha ———-